Quản lý quy hoạch Khu đô thị Dệt may Nam Định |
Cơ sở Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định tại 43 Tô Hiệu thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp dệt, may thuộc Tổng công ty dệt may Việt Nam được bán tài sản là nhà xưởng, các công trình xây dựng khác và chuyển quyền sử dụng đất tại địa điểm cũ để đầu tư cơ sở mới khi thực hiện di dời cơ sở sản xuất ra ngoài đô thị theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 13/2/2004. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị Dệt may Nam Định là cần thiết nhằm tạo vốn thực hiện di dời và ổn định phát triển sản xuất của Tổng công ty Dệt may Nam Định.
Về năng lực thực hiện Dự án: Công ty CP Phát triển đô thị Dệt may Nam Định được thành lập năm 2011 trên cơ sở liên doanh giữa Tổng công ty Dệt may Nam Định (là Doanh nghiệp phải di dời) một số nhà đầu tư khác là Tổng công ty cổ phần Phong Phú, Công ty CP Bất động sản Dệt may Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên 8/3 để phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch. Trong đó, Tổng công ty CP Dệt May Nam Định có tỷ lệ vốn đóng góp là 30%, phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 8 Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Về kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đô thị, chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển đô thị được thành lập năm 2011, đến nay chưa có dự án được đầu tư xây dựng. Để phục vụ di dời các cơ sở của Tổng công ty Dệt may Nam Định, doanh nghiệp phải di dời là Tổng công ty Dệt may Nam Định đã liên doanh với các nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện đầu tư xây dựng đô thị là Tổng công ty CP Phong Phú và Công ty CP Phát triển hạ tầng công nghiệp và sản xuất kinh doanh Dệt may Việt Nam (trước đây là Công ty CP Bất động sản Dệt may Việt Nam).
Dự án xin chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị Dệt may Nam Định có tống mức đầu tư là 412,18 tỷ đồng. Vốn đầu tư theo hồ sơ năng lực về tài chính của chủ đầu tư là 44,19 tỷ đồng, chưa đảm bảo 20% tổng mức đầu tư của dự án (tương đương 82,44 tỷ đồng) theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 11/2003/NĐ-CP và chưa đảm bảo 15% tổng mức đầu tư (tương đương 61,83 tỷ đồng) theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg.
Do vậy, khi quyết định chấp thuận đầu tư và thẩm định dự án, UBND tỉnh Nam Định cần xác định việc tăng vốn đầu tư của chủ đầu tư đảm bảo đúng quy định, phương thức tổ chức nguồn vốn của chủ đầu tư, đồng thời xác định kinh nghiệm và năng lực của chủ đầu tư để thực hiện Dự án.
Về tiến độ thực hiện và hiệu quả kinh tế xã hội của Dự án: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị Dệt may Nam Định được triển khai theo 04 khu vực với 04 giai đoạn tương ứng cho từng khu vực, dự kiến hoàn thành trong quý 4 năm 2018. Dự án được thực hiện sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong đô thị, phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo ra một khu đô thị hiện đại, thêm nguồn cung về nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, cải thiện điều kiện sống của người dân.
Phương thức đầu tư của Dự án là xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu đô thị để thực hiện chuyển quyền sử dụng đất tạo vốn phục vụ di dời các cơ sở của Tổng công ty Dệt may Nam Định. Do Khu đô thị Dệt may Nam Định nằm tại vị trí trung tâm thành phố Nàm Định, là khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan đô thị, vì vậy đề nghị UBND tỉnh cần có các cơ chế, giải pháp để quản lý chặt chẽ về quy hoạch kiến trúc trước khi quyết định chấp thuận đầu tư; đồng thời cập nhật, bổ sung Khu đô thị Dệt may Nam Định tại 43 Tô Hiệu, thành phố Nam Định khi xây dựng Chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị và kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị. Việc chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở cần được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác.
Thùy Anh
Bài viết liên quan
Hà Nội: Duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị Nam hồ Linh Đàm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét