“Đã có nhiều người nước ngoài quan tâm thăm dò xem xét và đăng ký để mua nhà ở tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khẳng định với Pháp Luật TP.HCM như trên tại buổi lễ ra mắt Hội môi giới BĐS Việt Nam khu vực miền Nam, ngày 18-8.
Thủ tục mua nhà không khó
* Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đã có hiệu lực từ hơn một tháng nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa được ban hành. Điều này khiến doanh nghiệp cũng như người mua nhà rất sốt ruột. Thưa ông, vì sao có sự chậm trễ này?
+ Ông Nguyễn Trần Nam: Do đây là lĩnh vực có tác động rất lớn đến Nhà nước - doanh nghiệp - người dân nên Chính phủ rất thận trọng trong việc ban hành nghị định. Từ đó Chính phủ đã yêu cầu dành thêm thời gian để tham khảo ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan quản lý địa phương cũng như người dân.
Về phía Bộ Xây dựng, hiện các thông tư hướng dẫn ban hành kèm theo các nghị định cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, đã trình lên Chính phủ, chỉ còn đưa ra cuộc họp Chính phủ lấy ý kiến nữa là xong.
* Luật Kinh doanh BĐS cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, điều này khiến rất nhiều người nước ngoài vui mừng. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại thủ tục cụ thể để đối tượng này được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là không dễ?
+ Từ năm 2008, Quốc hội đã có Nghị quyết 19 thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế thế giới tại thời điểm đó, chúng ta cũng thận trọng nên đối tượng và điều kiện được mua nhà ở là rất chặt chẽ. Qua hơn năm năm làm thí điểm thì chỉ có hơn 200 người nước ngoài mua được nhà ở tại Việt Nam và đa số họ là Việt kiều.
Nhiều người nước ngoài đã đến dự án Vinhomes Central Park nằm ngay trung tâm quận 1 để tìm hiểu thông tin mua nhà. Ảnh: VIỆT HOA
Hiện nay người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam với những điều kiện rất dễ dàng, chỉ cần có thị thực nhập cảnh ở Việt Nam là được mua mà không cần bất kỳ điều kiện gì khác.
Ngoài việc được mua thì quyền sở hữu, sử dụng cũng được cởi mở hết sức. Trước đây, người nước ngoài mua nhà chỉ để được ở, nếu không sử dụng thì phải khóa cửa để đó. Bây giờ thì họ được phép cho thuê, mở nhà hàng, kinh doanh, mua bán…
Do đó, hiện có rất nhiều người nước ngoài quan tâm đến các dự án BĐS và đăng ký để mua nhà ở tại Việt Nam. Một ví dụ cụ thể là tại một buổi giới thiệu dự án Vinhomes Central Park của VinGroup ở TP.HCM mới đây, chỉ trong một buổi sáng mà có tới mấy trăm người nước ngoài đăng ký.
Có hiện tượng kích giá quá đà
* Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng từ đầu năm đến nay thị trường BĐS khá nhộn nhịp và nguồn tiền cũng đang tiếp tục đổ vào thị trường này?
+ Phải nói là thị trường BĐS hiện nay đã hồi phục tương đối mạnh mẽ và bền vững hơn. Có thể thấy điều này qua việc mua bán, giao dịch trên thị trường tăng rất mạnh trong liên tiếp ba năm từ 2013 đến 2015. Đặc biệt trong bảy tháng đầu năm 2015, riêng Hà Nội và TP.HCM đã có trên 21.000 giao dịch thành công thông qua các sàn, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Đó là chưa kể đến giao dịch giữa người mua với người mua hoặc người mua với nhà đầu tư thứ cấp. Các giao dịch khoảng 32-35 triệu đồng/m2 rất nhiều, thậm chí có dự án phải nhờ vả mới mua được!
Một yếu tố khác cho thấy thị trường BĐS đang hồi phục mạnh mẽ là nguồn tiền hiện vẫn tiếp tục đổ vào thị trường BĐS. Thực tế là người dân, ngân hàng, các công ty nước ngoài, các quỹ đầu tư vẫn thấy đây là mảnh đất có thể sẽ tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập tốt.
Từ những yếu tố đã phân tích ở trên, có thể khẳng định thị trường BĐS đã thực sự trở lại, tăng trưởng mang tính bền vững.
* Nhưng có nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra bong bóng thị trường BĐS?
+ Giao dịch tăng nhưng nguồn cung dồi dào. Cộng thêm sự chuyên nghiệp của các nhà đầu tư, tư vấn môi giới, sự chuyên nghiệp và thận trọng hơn của khách hàng nên giá cả cơ bản thị trường ổn định. Nói cách khác, có thể khẳng định là rất khó xảy ra bong bóng thị trường BĐS.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ có những cá nhân, doanh nghiệp tầm nhìn ngắn hạn, có sự kích giá quá đà, thổi phồng ăn chênh lệch sẽ ít nhiều tạo ra bong bóng nhất định. Với sự ra đời của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hy vọng rằng các doanh nghiệp sẽ liên kết mạnh hơn để làm cho thị trường BĐS ngày càng phát triển bền vững, minh bạch.
* Xin cám ơn ông.
* Thưa ông, gần đây dư luận cho rằng một số doanh nghiệp có dấu hiệu trục lợi từ dụng gói tín dụng cho vay 30.000 tỉ đồng?
+ Gói tín dụng cho vay 30.000 tỉ đồng là một chủ trương rất tốt của Nhà nước và như tôi đã nói, quy trình xét duyệt cho vay hiện nay chặt chẽ nên không có chuyện gói này bị lợi dụng. Tuy nhiên, một số cá nhân, doanh nghiệp vẫn cố tình làm sai luật thì chúng ta cần phát hiện để cùng ngăn chặn tình trạng này.
Theo con số tôi nắm được thì hết tháng 7, hợp đồng ký kết cho vay doanh nghiệp và cho vay người dân từ gói tín dụng 30.000 tỉ đồng là trên 17.000 tỉ đồng, đã vượt quá nửa tổng số gói tín dụng và tiến độ giải ngân đã xấp xỉ 10.000 tỉ đồng. Đây là con số tương đối tốt.
Theo Pháp Luật TP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét